Các di tích trong kinh thành Kinh thành Huế

Kỳ Đài

Hay còn gọi là Cột Cờ, nằm chính giữa mặt nam của kinh thành Huế thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh cũng là nơi treo cờ của triều đình. Kỳ Đài được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (1807) cùng thời gian xây dựng kinh thành Huế. Đến thời Minh Mạng, Kỳ Ðài được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840.

Trường Quốc Tử Giám

Bài chi tiết: Quốc Tử Giám (Huế)

Năm 1803 vua Gia Long xây dựng Đốc Học Đường tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây, trường nằm cạnh Văn Miếu, mặt hướng ra sông Hương. Đây được xem là trường quốc học đầu tiên được xây dựng dưới triều Nguyễn. Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, bên ngoài, phía Đông Nam Hoàng thành (tức vị trí hiện nay).

Điện Long An

Điện Long An trước đây và hiện nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Bài chi tiết: Điện Long An

Điện được xây dựng vào năm 1845, thời vua Thiệu Trị với tên gọi là Điện Long An trong cung Bảo Định, phường Tây Lộc (Huế) là nơi nghỉ của vua sau khi tiến hành lễ Tịch điền (cày ruộng) mỗi đầu xuân. Đây cũng là nơi vua Thiệu Trị thường hay lui tới, nghỉ ngơi, đọc sách, làm thơ, ngâm vịnh.

Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế

Tại số 3, Lê Trực, Huế. Tòa nhà chính của viện bảo tàng chính là điện Long An xây năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị. Hiện bảo tàng trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn. Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế giúp người tham quan một cái nhìn tổng thể về cuộc sống cung đình Huế.

Đình Phú Xuân

Bài chi tiết: Đình Phú Xuân

Đình Phú Xuân được xây dựng nửa đầu thế kỷ XIX ở tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế; nay thuộc phường Tây Lộc, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố 2 km về phía bắc.

Hồ Tịnh Tâm

Hồ Tịnh Tâm
Bài chi tiết: Hồ Tịnh Tâm

Hồ Tịnh Tâm là một di tích được kiến tạo dưới triều Nguyễn. Trước đây, hồ nguyên là vết tích của đoạn sông Kim Long chảy qua Huế. Đầu triều Gia Long, triều đình cho cải tạo một số đoạn sông và khơi dòng theo hướng khác để tạo thành Ngự Hà và hồ Ký Tế. Hai bãi nổi trong hồ này được dùng làm nơi xây dựng kho chứa thuốc súng và diêm tiêu. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ. Năm 1838, vua Minh Mạng cho di dời hai kho sang phía đông, tái thiết nơi này thành chốn tiêu dao, giải trí và gọi là hồ Tịnh Tâm. Dưới thời vua Thiệu Trị đây được xem là một trong 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh.

Tàng thư lâu

Tàng thư lâu
Bài chi tiết: Tàng thư lâu

Tàng thư lâu là được xây dựng năm 1825 trên hồ Học Hải trong kinh thành Huế, dùng làm nơi lưu các công văn cũ của cơ quan và lục bộ triều đình nhà Nguyễn. Đây có thể coi là một Tàng Kinh Các của Việt Nam dưới triều Nguyễn lưu trữ các tài liệu văn bản quý hiếm liên quan đến sinh hoạt của triều đình và biến đổi của đất nước. Chỉ riêng số địa bạ thời Gia LongMinh Mạng lưu trữ ở đây đã lên đến 12.000 tập. Có thể nói Tàng thư lâu rất quan trọng trong việc chứa các tài liệu và địa bạ, giấy tờ quan trọng lúc bấy giờ.

Viện Cơ Mật - Tam Tòa

Bài chi tiết: Viện cơ mật (Huế)

Là cơ quan tư vấn của nhà vua gồm bốn vị đại thần từ Tam Phẩm trở lên, là Đại học sĩ của các điện Đông Các, Văn Minh, Võ HiểnCần Chánh. Viện lúc đầu đặt ở nhà Tả Vu. Sau khi kinh đô thất thủ năm 1885 phải dời đi đến nhà của bộ Lễ, rồi bộ Binh, và cuối cùng là về chùa Giác Hoàng cùng với toà Giám Sát (của người Pháp) và Trực Phòng các bộ nên gọi là Tam Tòa. Hiện nay Tam Tòa nằm ở địa chỉ 23 Tống Duy Tân, thuộc phường Thuận Thành, ở góc Đông-Nam bên trong kinh thành Huế, hiện là trụ sở của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Đàn Xã Tắc

Đàn Xã Tắc Huế vào năm 1914
Bài chi tiết: Đàn Xã Tắc (Huế)

Đàn Xã Tắc được xây dưới thời vua Gia Long vào tháng 4 năm 1806 để tế cúng thần đất (xã) và thần ngũ cốc (tắc). Ví trí Đàn Xã Tắc hiện nay nằm tại phường Thuận Hòa, thành nội Huế, trong ô phố giới hạn bởi 4 mặt: mặt Bắc - đường: Ngô Thời Nhiệm, mặt Nam - đường Trần Nguyên Hãn, mặt Đông - đường Trần Nguyên Đán, mặt Tây - đường Nguyễn Cư Trinh.

Cửu vị thần công

Bốn khẩu có tên Xuân, Hạ, Thu, Đông
Bài chi tiết: Cửu vị thần công

Cửu vị thần công là tên gọi 9 khẩu thần công được các nghệ nhân Huế đúc dưới thời vua Gia Long. Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, khi lên ngôi, vua Gia Long liền cho các nghệ nhân đương thời tập trung tất cả chiến lợi phẩm là binh khí và vật dụng bằng đồng để đúc thành 9 khẩu thần công làm vật chứng cho chiến thắng vẻ vang của mình. Công việc đúc chính thức từ năm 1803 và hoàn thành vào năm 1804.

Các pháo đài

Các pháo đài được xây dựng nằm ở các eo bầu lồi ra ngoài dọc thân thành. Chúng được bố trí cách đều nhau, kèm theo là hệ thống tường bắn, pháo nhãn, xưởng súng, kho đạn, điếm canh… với tổng chiều dài hơn 11 km. Tường pháo đài bên trong đắp bằng đất, phía trong và phía ngoài được xây ốp bằng gạch vồ.

Toàn bộ vòng thành có cả thảy 24 pháo đài, bao gồm 5 pháo đài cho mỗi mặt thành và 4 pháo đài đặt ở bốn góc thành. Mỗi pháo đài được đặt tên riêng, chữ đầu của mỗi tên được lấy từ một trong 4 hướng Nam, Bắc, Đông, Tây. Ngoài ra, ở góc Đông Bắc còn có Trấn Bình đài, được xem là pháo đài thứ 25 của Kinh thành, được nối thông với Kinh thành qua một cửa gọi là Thái Bình môn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kinh thành Huế http://whc.unesco.org/en/list http://whc.unesco.org/en/list/678 http://whc.unesco.org/en/list/?search=&search_by_c... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://diaoconline.vn/web/chuyende/phongthuy/2008/... http://vns.hnue.edu.vn/WItemdetail.aspx?CatID=31&S... http://www.hueworldheritage.org.vn/quanthe/Tucamth... http://www.hueworldheritage.org.vn/quanthe/hoangth... http://www.hueworldheritage.org.vn/quanthe/kinhtha... https://web.archive.org/web/20050121215658/http://...